Thực hiện Công văn số 979/BGDĐT-KTKĐCLGD ngày 03/3/2015 của Bộ GD&ĐT về công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục ĐH và TCCN năm 2015, 2016; Công văn số 900/ĐHĐN-ĐBCLGD ngày 12/02/2015 của ĐHĐN về chuẩn bị cho kiểm định chất lượng giáo dục, Phòng KT&ĐBCLGD đã triển khai các hoạt động liên quan đến các công tác Đảm bảo chất lượng giáo dục; Kiểm định chất lượng giáo dục; Viết báo cáo tự đánh giá cơ sở giáo dục Trường và báo cáo tự đánh giá chương trình đào tạo trong năm 2014 - 2015. Thực hiện kết luận của Hiệu Trưởng - Chủ tịch Hội đồng Tự đánh giá Trường trong buổi họp "Tổng kết Đợt đánh giá nội bộ Trường" ngày 23/09/2015, Phòng KT&ĐBCLGD kính gởi đến các Đơn vị, cán bộ viên chức (CBVC) và sinh viên (SV) mô tả tóm tắt về mục tiêu và nội dung của các hoạt động quan trọng này như sau:

1. Mục tiêu ĐBCLGD và KĐCLGD:  

          Trong những năm qua Trường ĐHBK-ĐHĐN đã có nhiều nỗ lực để xây dựng hệ thống Đảm bảo chất lượng giáo dục (ĐBCLGD) và triển khai Kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) cấp Trường và cấp chương trình đào tạo. Trong xu thế quốc tế hóa và toàn cầu hóa, nhiệm vụ quan trọng này càng đang được quan tâm và thúc đẩy phát triển.

  • ĐBCLGD được hiểu là một cơ chế quản lý nhằm duy trì các chuẩn mực và không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục.
  • KĐCLGD được hiểu là quá trình đánh giá từ bên ngoài để công nhận các cơ sở giáo dục và chương trình giáo dục đạt được sứ mạng và các chuẩn mực đã được tuyên bố.

2. Đảm bảo chất lượng giáo dục:

  • ĐBCLGD là hệ thống những quan điểm, chủ trương, chính sách, mục tiêu, hành động, công cụ, quy trình và thủ tục, mà thông qua sự hiện diện và sử dụng chúng có thể đảm bảo rằng sứ mạng và mục tiêu giáo dục đang đ­ược thực hiện, các chuẩn mực đang được duy trì và nâng cao.
  • ĐBCLGD là thuật ngữ chung đề cập đến một loạt các biện pháp và cách tiếp cận, sử dụng để duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục.
  • Mô hình đảm bảo chất lượng giáo dục của Việt Nam có 3 cấu phần sau:
    • Hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong của nhà trường;
    • Hệ thống đảm bảo chất lượng bên ngoài nhà trường (hệ thống đánh giá ngoài bao gồm các chủ trương, quy trình và công cụ đánh giá);
    • Hệ thống các tổ chức đánh giá chất lượng từ bên ngoài (các tổ chức KĐCLGD).

3. Kiểm định chất lượng giáo dục:

  • KĐCLGD nhằm góp phần đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục; xác nhận mức độ cơ sở giáo dục đáp ứng mục tiêu đề ra trong từng giai đoạn nhất định; làm căn cứ để cơ sở giáo dục giải trình với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và xã hội về thực trạng chất lượng đào tạo; làm cơ sở cho người học lựa chọn cơ sở giáo dục và nhà tuyển dụng lao động tuyển chọn nhân lực.
  • Đối với các cơ sở giáo dục, KĐCLGD giúp đảm bảo việc tổ chức đào tạo có chất lượng và có hiệu quả tương xứng với các điều kiện hiện có của nhà trường; đảm bảo học sinh, sinh viên đại học khi tốt nghiệp sẽ đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

4. Tự đánh giá:

  • Trong hệ thống ĐBCLGD bên trong thì công tác tự đánh giá được chú trọng như một công cụ để tự nhận xét nhằm cải tiến chất lượng giáo dục,
  • "Tự đánh giá" là quá trình cơ sở giáo dục tự xem xét, nghiên cứu dựa trên các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục (do tổ chức độc lập ban hành) để báo cáo (dưới hình thức báo cáo tự đánh giá) về tình trạng chất lượng giáo dục, hiệu quả hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, nhân lực, cơ sở vật chất và các vấn đề liên quan khác để cơ sở giáo dục tiến hành điều chỉnh các nguồn lực và quá trình thực hiện nhằm đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.
  • Báo cáo tự đánh giá được trình bày một cách ngắn gọn, rõ ràng, chính xác và đầy đủ về các hoạt động của cơ sở giáo dục, trong đó chỉ ra những điểm mạnh, những tồn tại, khó khăn và kiến nghị các giải pháp cải tiến chất lượng, kế hoạch thực hiện, thời hạn hoàn thành, thời gian tiến hành đợt tự đánh giá tiếp theo.
  • Kết quả tự đánh giá được trình bày lần lượt theo các tiêu chuẩn đánh giá CLGD. Trong mỗi tiêu chuẩn, trình bày lần lượt theo từng tiêu chí. Đối với mỗi tiêu chí phải viết đầy đủ 5 phần: Mô tả và phân tích các hoạt động của cơ sở giáo dục liên quan đến tiêu chí, kèm theo các thông tin, minh chứng; Điểm mạnh và những yếu tố cần phát huy; Những tồn tại; Kế hoạch hành động; Tự đánh giá mức độ đạt được của tiêu chí.
  • Link download Bản tự đánh giá Trường.

5. Bộ tiêu chuẩn:

  • Công tác TĐG và KĐCLGD có thể được thực hiện theo các bộ tiêu chuẩn quốc gia, khu vực và quốc tế:
  • Quy định Về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường đại học (công văn số 06/VBHN-BGDĐT ngày 04/03/2014 của Bộ GD&ĐT)
  • Bộ tiêu chuẩn đánh giá của Ủy ban văn bằng kỹ sư Pháp – CTI (http://www.cti-commission.fr/)
  • Bộ tiêu chuẩn đánh giá theo tiêu chuẩn của Mạng lưới các trường đại học ASEAN AUN-QA (http://www.aunsec.org/)
  • Bộ tiêu chuẩn đánh giá của Hội đồng Kiểm định Kỹ thuật và Công nghệ - Hoa Kỳ ABET (http://www.abet.org/)

Bộ tiêu chuẩn đánh giá của Hiệp hội phát triển giảng dạy doanh thương bậc đại học - Hoa Kỳ AACSB (http://www.aacsb.edu/)